Từ Vũng Tàu hướng về phía bắc 6 km, một hòn đảo giữa thảm xanh của rừng ngập mặn, đó là Long Sơn, diện tích tự nhiên 92km2, (trong đó 54km2 đất nổi, còn lại là vùng ngập mặn), bốn bề sông biển, kênh rạch bao bọc. Đây là xã đảo duy nhất thuộc thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Từ thị xã Bà Rịa theo Quốc lộ 51 về Phú Mỹ, cách 9 km là ngã ba Láng Cát, theo con đường đôi đi tiếp 4km (qua cầu Ba Nanh) tới Long Sơn, quẹo trái theo đường nhựa trên 1km nữa tới khu di tích Nhà Lớn, tổ đình của tín ngưỡng ông Trần. Ngày nay Long Sơn còn lưu giữ nhiều phong tục, kiến trúc xưa. Đặc biệt khu di tích Nhà Lớn toạ lạc tại thôn Năm, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của tín đồ tin theo ông Trần.
Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm Bính Thìn (1856), quê ở làng Thiên Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, Hà Tiên (nay là xã Tân Khánh Hòa, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Năm 1900 Ông dẫn đầu một nhóm khoảng 20 người đến cù lao Núi Nứa trên chiếc ghe Sấm. Dưới sự chỉ huy của Ông nhóm người mới tới chặt cây dựng chòi, chiêu mộ bá tánh đến khai hoang mở đất, hình thành một khu dân cư mới với những phong tục tập quán khác hẳn cư dân phía bắc đảo và các vùng lân cận. Xây dựng nên khu Nhà Lớn qui mô bề thế như một cung điện và hình thành tín ngưỡng ông Trần. Tín ngưỡng do ông Trần sáng lập có nguồn gốc từ đạo giáo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” mà thánh địa vốn ở vùng Thất sơn (An Giang). Khi tới Long Sơn, ông Trần kết hợp giáo lý cơ bản của đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” với những tín ngưỡng đạo giáo khác: đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão, thờ cúng ông bà tổ tiên… Phật, Thánh, Thần đều được thờ cúng trong Nhà Lớn và tại các nhà dân. Đặc biệt tín ngưỡng này không có kinh kệ, chuông mõ, ăn chay, kiêng kỵ, chỉ có lời dạy của Ông Trần được truyền khẩu trong dân gian.
Ông Trần lập ra ban Kỳ Lão Nhà Lớn gồm 8 người đã theo ông đến đây trong buổi đầu khẩn đất lập ấp, lo các việc chung cho dòng tộc. Tám vị Kỳ Lão Nhà Lớn (Bái, Bồi, Đại, Cổ, Chủ, Cả…) có chức năng tương tự Hội đồng Hương chức của làng xã quanh vùng1. Ông tổ chức đám cưới cho dân rất đơn giản. Thường cưới hỏi vào ngày 30, mùng 1 và ngày 15, 16 Âm lịch hàng tháng. Không tính ngày giờ, không đặt ra những lễ nghi tục lệ phiền phức. Khi tổ chức chỉ nấu nồi xôi chè cúng ông bà, không có cỗ bàn linh đình.
Đám tang cũng đơn giản, khi có người “mãn phần” (chết) gia đình tới trình Nhà Lớn để thỉnh bao quan về lo hữu sự. Người chết bó chiếu đặt trong một bao quan chung bằng tre, không đáy. Toàn thân bao quan sơn màu đỏ, (dài 2m x rộng 1m), phần đầu vẽ hình đài sen, phía dưới là tấm gỗ rời. Thi hài sau khi lau rửa sạch sẽ, thay y phục mới sẽ được bó trong một lớp vải đỏ, ngoài bó chiếu trắng, đặt trên tấm ván vắt sẵn 5 sợi dây dài 1,80m, rồi phủ bao quan lên. Bàn thờ được lập để bà con, thân hữu đến kỉnh nhang đèn. Không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo, khi chết đều không có kèn trống, tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận tiền phúng viếng. Thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa chôn ngay trong ngày, nếu kéo dài cũng không quá 24 giờ. Huyệt chôn người chết được đào vừa với kích thước bao quan, phía dưới huyệt lót ba tấm lá buông non và nệm cói. Sau khi dùng 5 dây võng đưa thi hài xuống huyệt thì tấm ván phía dưới và bao quan bên trên được lấy lên, thi hài tiếp tục được phủ lên một lớp lá buông non và đệm trước khi lấp đất. Không chôn theo hàng lối, không đề tên vào bia mộ, thân nhân ra đến huyệt thì xả tang (bỏ tang) phá bỏ lệ để tang ba năm. Ông Trần thường nói: “Sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách”.
Nhà nào có đám cưới, đám tang hoặc làm nhà thì ban hương chức và bà con trong ấp tự giác đến thăm hỏi, giúp công sức chứ không mừng tiền hoặc phúng tiền, tặng phẩm. Hàng tháng mọi người dân theo ông Trần đều đóng góp một khoản tiền “nhân ngãi” để giúp các đám tang, đám cưới hoặc nhà nào gặp rủi ro tai nạn.
Trước 1936 việc cúng lễ được tổ chức vào ngày 10/1 Âm lịch gọi là lễ cúng sao, giải hạn. Ngày 9/9 Âm lịch là ngày Trùng cửu, lễ cúng có chè, cháo, xôi, bánh trái và hoa quả. Ngoài ra, hàng tháng mùng 1 và ngày rằm (15) cúng nhỏ không làm cỗ linh đình. Sau khi ông Trần mất đi, con cháu và tín đồ theo tín ngưỡng vẫn duy trì tập quán cũ. Ông được con cháu đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn. Tứ đó, tín ngưỡng ông Trần mỗi năm có hai lễ hội lớn là cúng Trùng cửu (9/9 Âm lịch) và 20/2 Âm lịch ngày cúng cơm ông Trần (ngày vía).
Trong hai ngày này người ở thập phương quy tụ về đây rất đông có năm lên tới trên 20.000 người. Cỗ mặn làm từ hôm trước, còn trong hai ngày này chỉ cúng xôi chè, cháo, bánh trái, hoa quả. Ngoài ra, ngày 5/5 Âm lịch, các ngày tết Nguyên đán (7 ngày) đều tổ chức cúng lễ với quy mô nhỏ, sau khi kỉnh xong, cỗ bàn dọn xuống để mọi người cùng ăn không phân biệt ngôi thứ đẳng cấp.
Các nhà dân đều lập nhiều bàn thờ. Hầu hết họ dành hẳn ba gian nhà chính cho việc thờ cúng. Bàn thờ được sắp xếp theo nhiều lớp, chủ yếu thờ ông bà tổ tiên, thiên địa, thờ ông Trần (còn gọi là ông Cố, ông Nhà Lớn), Thánh Mẫu, Quan Công… Hàng ngày có “Hội làng” tự giác luân phiên nhau đến quét dọn, đèn nhang, cúng kỉnh trong Nhà Lớn gọi là “vô phiên” hoặc “phiên Ngũ thường”. Mỗi phiên có 6 người: một người hầu phiên và năm người phiên ngũ, ai tới vô phiên thì ăn cơm tại Nhà Lớn. Người trực phiên và dân trong tín ngưỡng cũng thay nhau tới lao động sản xuất trên phần đất công. Những tục lệ được đặt ra từ đời ông Trần cho đến nay vẫn được tôn trọng và tuân theo một cách tự giác như việc cúng vái hàng ngày vào lúc 4 giờ sáng và 6 giờ chiếu. Tổ chức đám cưới hỏi vào giờ Thìn (8 giờ sáng) để ghi nhớ năm Bính Thìn (1856) là năm mất của Phật thầy Tây An và cũng là năm sinh của ông Trần. Phụ nữ không được bước chân vào Lầu Cấm, khi đi qua trước lầu phải ngả mũ nón, không được nói tục.
Sau khi ông Trần cho dựng nên khu Nhà Lớn làm nơi thờ cúng chung của tín ngưỡng, có một số sư sãi và những người mộ đạo Phật đến xin được tu luyện ở đây nhưng Ông không cho mà nói rằng: “Muốn thành Tiên, thành Phật thì trước hết phải lo cho dân, cho nước, chứ ngồi đây thỉnh kinh gõ mõ thì ích lợi gì?”. Khi đến đây khai phá lập đền thờ, ông Trần cũng không xưng danh xưng đạo. Cho nên tín ngưỡng của Ông cũng không có kinh kệ, rước sách, kiêng kỵ, không cắt tóc, ăn chay, không có chuông mõ, người dân theo Ông đều mặc quần áo bà ba đen đi chân đất, đầu để tóc dài búi gọn sau gáy.
Toàn bộ những công việc trong Nhà Lớn cũng như trong dòng tộc đều do những ông lớn (tức các kỳ lão) họp bàn giải quyết. Hội đồng kỳ lão có 10 thành viên (8 chính thức, 2 vị dự khuyết) là những người cao tuổi có học thức và có uy tín trong dòng tộc. Ngoài ra, còn những người làm công quả gồm cả đàn ông và đàn bà. Đàn ông giúp việc trong Nhà Lớn, phần đông là thợ chuyên môn, tự nguyện làm việc không công, số người này có khi chỉ 1-2 người có khi lên tới cả trăm người, tùy theo công việc nhất là trong những ngày lễ lớn.
Những người vô phiên (5 người) mỗi lần vào ở Nhà Lớn liên tiếp 3 ngày, 3 đêm. Công việc của họ gồm có: quét dọn vệ sinh, lau chùi tủ thờ, bàn ghế, đồ thờ cúng, tưới cây kiểng, nấu cơm, nhang đèn cúng kỉnh ngày 2 lần vào lúc 4 giờ sáng và 6 giờ chiếu. Trong mỗi lần vô phiên có một người lớn tuổi giữ nhiệm vụ cúng tế bàn thờ Ông Trần , cắt đặt công việc cho người vô phiên. Người này gọi là hầu phiên và giữ nhiệm vụ này một ngày một đêm. Ngoài những nhiệm vụ được giao những người vô phiên và hầu phiên không có quyền giải quyết các công việc liên quan đến Nhà Lớn và trong tín ngưỡng.
Vào khoảng năm 1909 ông Trần xin phép chính quyền tỉnh Bà Rịa cho lập ra nhà thờ Đức Khổng Tử, nơi thờ cúng chung của dân ấp Bà Trao. Được chủ tỉnh chấp thuận, năm 1910 Ông cho xây dựng nhà Thánh làm khu chính điện, sau đó tiếp tục dựng lên lầu Trời (lầu giữa), lầu Tiên và lầu Phật, tu sửa lại nhà Hậu vốn có từ trước cho rộng lớn và khang trang hơn. Năm 1927 xây cất thêm lầu Cấm, hai ngôi nhà khách để tiếp khách các vùng lân cận và nơi xa tới thăm viếng, cổng Tam quan, khu vườn hoa, hai cổng ra vào khu vực thờ cúng. Năm 1928, dựng tiếp ngôi lầu Dài, dưới để trống làm nơi ăn nghỉ của khách vãng lai và dân trong những dịp Nhà Lớn mở lễ hội. Trên lầu bày các bàn thờ lễ nghi. Đồng thời cũng cho cất 5 dãy nhà dài (dãy phố) làm nơi cư ngụ cho bá tánh buổi đầu tới Bà Trao lập nghiệp. Các công trình kiến trúc khác nhau trong khu vực Nhà Lớn và các khu kế cận cũng được xây dựng trong khoảng thời gian này: khu chức thóc, chứa đồ, nhà đèn, nhà thợ mộ, nhà bếp…Việc tích trữ nước ngọt để dùng trong 6 tháng mùa khô cũng được ông Trần quan tâm cho xây 5 hồ chứa nước ngọt (ngũ hồ), bốn lu chứa nước mưa (tứ hải).
Kế bên khu thờ cúng, ông Trần cho xây dựng nhà Long Sơn Hội là nơi hội họp việc làng. Xây dựng trường học để đón hai thầy giáo về dạy chữ quốc ngữ cho trẻ nhỏ. Cất một nhà chợ cho dân tới buôn bán, trao đổi hàng hoá. Chợ được khánh thành ngày 16/8/1929. Ngoài ra Ông còn lập một nhà máy xay xát gạo, đặt máy phát điện dùng thắp sáng cho sinh hoạt và lễ nghi. Cùng với việc xây dựng các công trình kiến trúc, ông Trần còn cho người đi tìm mua đồ vật quý mang về bày nơi thờ cúng hay trang trí lễ nghi, nột thất như : bàn ghế cổ, tủ thờ cẩn xà cừ, câu đối, liễn, hoành phi đại tự, bao lam (y môn) sơn son thếp vàng lộng lẫy và các đồ tự khí. Khi chủ sự nhà đoan người Pháp ở Bà Rịa về nước, ông Trần mua lại của ông ta bộ bàn ghế Bát tiên (tương truyền đây là bộ bàn ghế tiếp khách của vua Thành Thái khi bị người Pháp bắt giam lỏng ở Vũng Tàu đầu thế kỷ XX), cùng các vật dùng võng cáng, xe kéo tay, đồng hồ…
Những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm trong một khu vực tạo thành quần thể kiến trúc mà nhân dân trong vùng quen gọi là Nhà Lớn. Từ sau khi ông Trần qua đời (1935) và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có tên là Đền Ông Trần. Kế tục sự nghiệp của ông Trần, gia tộc đã tôn ông Lê Văn Dần (cháu nội ông Trần, tức con ông Lê Văn Thiền) kế vị cùng tám vị Kỳ lão quản lý, điều hành Nhà Lớn.
Do có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nên khu Nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật của Quốc gia (theo quyết định số 1371/QĐ-VH ngày 3/8/1991). Bố cục kiến trúc, nghệ thuật trang trí khu nhà lớn đã phần nào thể hiện nét tiêu biểu của tín ngưỡng ông Trần. Khu di tích với những nhà Lầu, nhà trệt xen kẽ nối tiếp nhau đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ nhưng đăng đối, nghiêm luật của đương thời. Với những đền đài trang nghiêm, bề thế khu đền thờ đã vượt qua tầm vóc của một họ đạo trên hòn đảo nhỏ.
Khu Nhà Lớn (Đền Ông Trần) là trung tâm văn hóa, tôn giáo của dân cư phía nam Long Sơn. Cùng với những giá trị văn hóa vật thể đặc sắc, di tích còn là nguồn tư liệu quý về văn hóa phi vật thể để nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, Hán Nôm học, mỹ thuật… Toàn bộ kiến trúc đền thờ hợp với cảnh quan và phong tục cổ xưa còn lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong nước và khách quốc tế. Nhất là vùng đất sinh thái, sơn thủy hữu tình này lại thuộc thành phố Vũng Tàu, một trung tâm du lịch lớn của cả nước.
_______________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên. Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội, 1974.
– Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập V. Nxb Thuận Hóa, Huế – 1992.
– Imprimerie L. Ménard. Monographic de la frovince de Baria et de la ville du Cap Saint – Jacques. Sai Gon, 1902.
– Phạm Quang Minh, Hồ sơ Di tích Nhà Lớn Long Sơn, lưu trữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa Vũng Tàu.
– Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa Vũng Tàu, Nghiên cứu tổng hợp về Long Sơn, Đề tài nghiên cứu khoa học, 1993
– Bảo tàng Tổng hợp Bà Rịa Vũng Tàu và Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm. Di sản Hán Nôm trong di tích lịch sử văn hóa Bà Rịa Vũng Tàu. Đề tài nghiên cứu khoa học. Vũng Tàu, 2000.
– Phạm Quang Minh, Đinh Văn Hạnh, Thái Quốc Việt. Nhà Lớn Long Sơn. Sở Khoa học Công Nghệ và Môi trường Bà Rịa Vũng Tàu. Vũng Tàu, 1994
– Viện Đại học Sài Gòn, Việc tôn thờ Ông Trần tại xã Long Sơn, tỉnh Phứơc Tuy, Trường Đại học Văn khoa, 1975.